Tên khác: Liên, Ngẫu (Tày), Bó pua (Thái). Lim ngó (Dao).
Tên khoa học: Nelumbo nucifera Gaertn [Nelumbium nelumbo (L.) Druce]. Họ Sen (Nelumbonaceae).
Nguồn gốc:
Cây Sen nguồn gốc châu Á lục địa. Hoa Sen là vật linh thiêng tượng trưng của, Ấn Độ giáo và Phật giáo, tương tự như họa Sen Ai Cập, hoa trắng (Nymphea lotus) là hoa linh thiêng của Ai Cập.
Cây Sen được trồng từ lâu đời ở Việt Nam; Sen được trồng ở nhiều nơi để ăn, làm mứt, làm thuốc, làm cây cảnh. Có hai giống Sen được trồng phổ biến: 1) Sen hồng, cao, khoẻ, hoa màu hồng, to, thơm; 2) Sen trắng, cây cao, hoa trắng, yếu hơn. Ngoài ra còn trồng Sen sẻ, cây thấp hoa bé, thường trồng trong bể, trong chậu. Sen được trồng bằng mầm, ngó Sen. Trồng vào giữa mùa xuân, thời tiết ấm; trồng xong cho nước vào ao, hồ từ từ cho ngập đến 2/3 thân cây, giữ mực nước như vậy khoang 3 - 4 tháng, Mùa hè năm sau cây ra hoa; mùa đồng cây tàn, mùa xuân lại mọc.
Mô tả:
Sen mọc ở ao, đầm. Thân rễ hình trụ, mọc trong bùn. Lá mọc lên khỏi mặt nước, cuống lá dài, có gai nhỏ. Phiến lá hình lọng, to, đường kính 40 - 70 cm, có gân tỏa tròn. Hoa to, màu đỏ hồng hay trắng, đều, lưỡng tính; 3 - 5 lá đài màu xanh lục, tràng gồm nhiều cánh hoa, nhiều nhị, bao phấn 2 ô, mở bởi kẽ nứt dọc, trung đới mọc dài ra thành một phần phụ màu trắng, nhiều tâm bì rời nhau, đựng trong một đế hoa loe ra hình nón ngược. Mỗi tâm bì có 1 - 2 noãn. Quả bế (thường gọi là hạt Sen), đựng 1 hạt không có nội nhũ, có 3 lá mầm dày; chồi mầm gồm 4 lá non gấp vào phía trong.
Bộ phận dùng:
Sen có nhiều bộ phận được dùng làm thuốc:
Quả Sen (thường gọi là hạt): Còn nguyên vỏ quả gọi là Liên thạch; bóc vỏ ngoài và bỏ mầm xanh ở lõi gọi là Liên tử nhục hay Liên nhục. Ngoài ra chồi mầm xanh trong hạt Sen gọi là tâm Sen hay Liên tử tâm. Ngó Sen là phần thân rễ hình trụ mọc trong bùn gọi là Liên ngẫn. Lá Sen gọi là Hạ diệp. Gương Sen là bát Sen, sau khi lấy hết quả rồi phơi khô gọi là Liên phòng. Tua nhị sau khi sấy khô hay phơi khô gọi là Liên tu.
Thành phần hóa học:
- Quả (hạt) Sen: có nhiều tinh bột, đường raffinose, protein, lipid, muối khoáng, calci, sắt, phosphat.
- Tâm Sen có: Alcaloid Liensinin.
- Ngó Sen có: Asparagin, arginin, vitamin C, glucose.
- Lá Sen có: Tanin, một ít alcaloid với lượng nhỏ nuciferin, nornuciferin, roemerin; cuống lá có lượng nhỏ roemerin, nornuciferin.
- Gương Sen có: Tanin, protein, lipid, glucid,vitamin C.
Theo Đông y:
1. Liên nhục:
Tính vị cam sắp, bình; vào các kinh tỳ, thận, tâm. Bổ tỳ, chỉ tả, ích thận, sáp tinh, dưỡng tâm, an thần.
Dùng điều trị: Tỳ hư, tiêu chẩy lâu ngày, di tinh, đới hạ, hồi hộp, tim đập mạnh, mất ngủ, kém ăn, cơ thể suy nhược. Ngày dùng 6 - 15g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
Kiêng kỵ: Thực nhiệt táo bón không nên dùng.
2. Tâm Sen:
Khổ, hàn; vào các kinh tâm, thận. Thanh tâm, an thần, thông giao tâm, thận, sáp tinh, chỉ huyết, trừ nhiệt.
Dùng điều trị: Nhiệt nhập tâm bào, tinh thần hôn ám, nói sảng, tinh thần bất giao, mất ngủ, huyết nhiệt, thể huyết. Ngày dùng 2 - 5g, dạng thuốc sắc, hãm hoặc hoàn tán.
Kiêng kỵ: Người tâm hoả hư nhược, không nên dùng.
3. Ngó Sen (Liên ngẫu):
Làm thuốc cầm máu, chữa đại tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, tử cung xuất huyết. Ngày dùng 6 - 12g, dạng thuốc sắc.
4. Lá Sen:
Khổ, bình, vào 3 kinh can, tỳ, vị.
Thanh nhiệt giải thử, thăng phát thanh dương, lợi thấp, tản ứ; mát huyết, chỉ huyết.
Chủ trị: Thử nhiệt, bứt rứt, khát nước, thử thấp tiêu chảy, tỳ hư tiêu chảy; huyết nhiệt, nôn ra máu, đổ máu cam; đại tiểu tiện ra máu, bắng huyết, rong huyết.
Ngày dùng 3 - 9g, dược liệu lá khô; 15 - 30 g dược liệu lá tươi.
Than lá Sen: Thu sáp hóa ứ, chỉ huyết. Dùng điều trị: nhiều loại chứng xuất huyết, huyễn vậng (chóng mặt) sau khi sinh đẻ.
Ngày dùng: 3 - 6 g (dược liệu khô), dạng thuốc sắc hay hoàn tán
5. Gương Sen (Liên phòng):
Thuốc cầm máu, chữa đại tiểu tiện ra máu; bạch đới; cao huyết áp.
Ngày dùng: 15 - 30g, dạng thuốc sắc (dùng 1 đến 2 cái).
Chú thích: Sen được ghi trong Nam Dược Thần Hiệu, Tuệ Tĩnh.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - SEN
Xem thêm: CÂY HOA CÂY THUỐC - SEN
Xem thêm: CÂY RAU LÀM THUỐC - NGÓ SEN
Nhận xét
Đăng nhận xét